1. Chiếc Áo Dài không phải là cái váy

Hôm nay tình cờ xem Youtube.

Có một cô gái người Trung Hoa mặc áo Dài Việt Nam tham dự một cuộc thi nào đó.

Rồi cô tự nhận là áo truyền thống của nước mình…

Chuyện…

Chợt nhớ câu chuyện của một người được biết đến là người kể chuyện Sài Gòn, chị Trác Thuý Miêu.

Trong một lần, có một người nước ngoài nói với chị Áo Dài Việt Nam giống áo sườn xám của người Trung Hoa??????

Chị đã bình tĩnh trả lời, đại ý là:

– Áo Dài xứ tui nó có 2 cái tà. Nó mặc với cái quần nên gọi là cái áo

– Còn sườn xám của người Trung Hoa mặc không có cái quần nên nó là cái váy

– Không giống!!!!!!

(Photographer: Miss Áo Dài)

  1. ÁO DÀI trong từ điển Oxford

ÁO DÀI, hai từ ngắn gọn nhưng không ngắn ấy được từ điển Oxford công nhận mà không có từ nào khác thay thế.

Trong khi sườn xám thì từ điển ghi là “Chinese dress”

  1. “Thoáng thấy Áo Dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó”

Không phải ngẫu nhiên mà nhạc sĩ Từ Huy đã Viết: “Thoáng thấy Áo Dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó”

– Một nhà văn khi sang Tây giới thiệu sách.

Giữa cái khí lạnh ngắt, “tuyết rơi đầy” giữa trời Paris, thấp thoáng nhìn thấy tà áo dài bay bay, ông nhận ra ngay đó là Người Việt. Dù khuôn mặt theo như nhà văn tả thì “rất là Tây”.

– Một cô gái Người Việt Nam đang học tập tại Trung Hoa.

Một lần thử mặc Áo Dài đi chợ. Nhiều người hiếu kỳ xen lẫn thú vị vì thấy trang phục lạ. Nhưng đâu đó cũng có người nhận ra bạn là Người Việt Nam.

Trên trang Youtube của cô có rất nhiều người ngoại quốc cảm thấy thích thú với hình ảnh này.

Họ nhận ra là Áo Dài Việt Nam và có những lời chia sẻ thú vị.

Không phải tui tự khen: Rõ ràng người phụ nữ xứ nước khác dù thân hình họ chuẩn đến đâu nhưng khi vào bộ áo dài thì vẫn không thể tự nhiên, nhẹ nhàng như người nữ Việt mặc Áo Dài; Dù cho thân hình của họ có quá khổ hay ốm nhách..

(Photographer: Nguyễn Đức Tâm)

  1. Vì sao Áo Dài đẹp

Từ chiếc áo tứ thân, ngũ thân kết hợp với ảnh hưởng văn minh Tây Phương một thời (nội y corset, thời trang New Look…), Áo Dài Sài Gòn sau những lần được dung nạp, được cách tân bởi những bàn tay tài hoa lại càng trở nên hoàn mỹ, chuẩn mực hơn bao giờ hết. 

Cái eo nhỏ đến như nín thở làm tôn lên phần ngực và hông.

Phần trên ôm sát thân người, tự nhiên, như tượng tạc. Người mặc phải lưng thẳng, cổ thẳng, cằm cao, tự trọng đến kiêu hãnh.

Nhìn xuống phần dưới thì chỉ thấy tà áo rộng che cái lưng quần vừa chỗ nhỏ nhất của eo theo gió phất phơ.

Hồi mình đi học, có nhiều bạn nữ, trong đó cũng có mình nữa nghịch ngợm, ngổ ngáo như con trai. Tuy nhiên, khi bận vào chiếc Áo Dài thì tự nhiên lại đi đứng đàng hoàng, ý tứ.

Dân gian có câu: “đi lên thì nâng tà trước, đi xuống thì rước tà sau…”

Chiếc Áo Dài dạy người phụ nữ rằng phải khéo léo, đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên. Tránh hấp tấp vội vàng. Vô cùng đáng yêu!

Một nét đẹp văn hoá!

(Photographer: Nguyễn Đức Tâm)

  1. Ngẫm, lại thấy một sự trùng hợp vô cùng tuyệt vời…

Phần lớn người có công làm cho phái nữ đẹp hơn, thanh lịch, duyên dáng hơn trong tà Áo Dài lại là những đấng Mày Râu.

Từ Áo Dài Lemur theo đề xướng của Hoạ sĩ Cát Tường 

Chiếc Áo Dài Lê Phổ được cách tân qua bàn tay của Hoạ sĩ Lê Phổ

Áo Dài Bà Nhu là sự cách tân táo bạo được đạo diễn Thái Thúc Nha thiết kế theo đề nghị của Đệ Nhất Phu Nhân Trần Lệ Xuân. 

Áo Dài Tay Raglan – Nhà may Dung (ở Dakao) đã khéo léo khi đưa tay áo Raglan cùa thời trang Tậy Phương lên Áo Dài. Kiểu tay áo đã được định hình trong chiếc áo dài từ bấy tới nay không thay đổi.

(Photographer: Nguyễn Đức Tâm)

  1. Những gánh chụp hình trên những con phố Sài Gòn

Bi giờ, rong ruổi lang thang khắp các con phố Sài Gòn. Thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp những nhóm bạn trẻ đang lom khom lui cui bên cạnh các Áo Dài. Hay đang vất vưởng trên cành cây. Trên tay họ ôm khư khư cái máy chụp hình. Phần nhiều họ là những Nam nhân.

Họ cũng là những người đang giúp các chị em, các bà, các cô lưu giữ vẻ đẹp riêng của họ theo năm tháng.

Bỏ qua ý niệm kiếm cơm. Với mình, các bạn đang góp phần to lớn trong việc gìn giữ nhan sắc Sài Gòn bằng công việc của các bạn.

Chị em thích mặc áo dài nhiều hơn, lan tỏa vẻ đẹp của áo dài những khi họ khoác lên người và thong dong giữa chốn Sài Thành.

Cảm ơn các bạn rất nhiều.

  1. Chiếc Áo Dài

Mình ko dám nhận là yêu ÁO DÀI bởi mình chưa đủ hiểu áo dài nhiều để gọi là tình yêu.

Đơn giản minh cảm thấy thương chiếc áo ôm trọn thân người phụ nữ như một bộ da nữa chở che họ.

Thương đôi tà áo tôn lên sự kín đáo, mà không kém phần bông đùa, nghịch ngợm, vui tươi. Đôi khi như vẫy gọi khi có cơn gió thoảng qua.

Chiếc áo âm trầm mà reo vui.

Mảnh áo tuy kín mít, giản dị nhưng vẫn tôn lên được nét duyên dáng, thanh lịch đã làm bận lòng bao kẻ tương tư… Thời nào cũng có!!!

Đâu chỉ đơn thuần là cái đẹp khi đập vào mắt đối phương.

Cái hồn, cái cốt cách, cái văn hoá chứa đựng cả lòng tự tôn dân tộc đã được hoạ sĩ Cát Tường cũng như những bậc tiền bối công phu gửi gắm qua bộ trang phục dành riêng cho Phụ Nữ Việt. Cái tâm, cái tầm của người đi trước quá lớn lao.

Mặc vào chiếc áo thì không thể lẫn vào đâu được.

Đích thị là đàn bà con gái Nước Nam!!!

Mong chờ một ngày nhìn thấy Sài Gòn “Áo bay trên đường như mây xuống phốmỗi ngày!

(Photographer: Nguyễn Đức Tâm)

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc, câu hỏi, đề xuất, hoặc đơn giản là chỉ muốn gởi lời chào, hãy để lại comment hoặc inbox cho mình nhé!

Cảm ơn các bạn!

*Nguyễn Thị Ngọc Thy

Founder: KOMI – ĐẶC SẢN BÌNH ĐỊNH 247